Phòng tránh và chăm sóc bà bầu bị viêm xoang
Phụ nữ khi mang thai thường có sức đề kháng kém - Ảnh minh họa
Yếu tố thuận lợi dẫn tới viêm xoang ở bà bầu
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi về nội tiết: hàm lượng progesteron cũng như một số hormon khác thay đổi khiến cho các màn nhầy bên trong mũi xoang phình ra, nở rộng hơn bình thường, mạch máu xung quanh cũng giãn chiếm mất không gian bên trong xoang, khiến thể tích xoang nhỏ lại, dịch lưu thông trong xoang vì thế mà dễ bị ứ lại, gây nên viêm xoang ở bà bầu. Sức đề kháng của người mẹ thường giảm sút nên cơ thể dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus tồn tại trong môi trường, nhất là vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi. Chúng có thể gây viêm xoang trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc gây các bệnh khác của đường hô hấp như: viêm họng, cảm cúm,... Mẹ bầu có tiền sử dị ứng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khi có các tác nhân dị ứng kích thích, niêm mạc xoang mũi phù nề, tăng tiết, làm lượng dịch trong xoang nhiều lên trong khi thể tích của xoang bị nhỏ lại khiến dịch không thể lưu thông bình thường, sinh ra bệnh. Tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, khói thuốc lá,... khiến mẹ bầu dễ mắc bệnh đường hô hấp nói chung, viêm xoang nói riêng. Môi trường ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Các mẹ bầu thường có tâm lý ngại dùng thuốc mỗi khi có các biểu hiện của bệnh mà thường tự chịu đựng, chờ bệnh từ hết. Do vậy, tới khi mẹ bầu đi khám thì bệnh thường đã lâu, việc điều trị kéo dài và bất lợi hơn.Phòng ngừa viêm xoang
Điều quan trọng nhất trong việc phòng bệnh đó là nâng cao sức đề kháng và tránh các tác nhân gây bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Khi mang thai, mẹ bầu ăn để nuôi 2 người nên lượng thức ăn cần cung cấp nhiều hơn bình thường. Nhiều mẹ bầu ốm nghén, không ăn uống được nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng, khi đó có thể thay đổi cách nấu ăn cho hợp khẩu vị, cân nhắc bổ sung các chất bằng việc uống sữa, uống bổ sung vitamin và các khoáng chất khác theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C giúp bảo vệ niêm mạc, nâng cao sức đề kháng.Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày cũng là cách tốt giúp nâng cao sức khỏe hai mẹ con. Mẹ lưu ý nên tập những bài tập nhẹ nhàng, tránh các động tác khó, mạnh, có thể ảnh hưởng đến em bé.Ăn nhiều hoa quả giúp cung cấp vitamin cho phụ nữ mang thai - Ảnh minh họa
Vệ sinh mũi hàng ngày với nước muối sinh lý, nhất là sau khi đi đường, tiếp xúc với lạnh, khói bụi, hóa chất,... Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm,... Tránh các tác nhân gây dị ứng đã biết, đồng thời mẹ bầu cũng nên thận trọng khi tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng khác như: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông vật nuôi,..., thậm chí cả với những món ăn mới. Giữ độ ẩm trong phòng bằng cách dùng máy tạo độ ẩm hoặc đặt một chậu nước trong phòng. Lưu ý vệ sinh máy thường xuyên, tránh để bụi bẩn, vi khuẩn bám vào. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào khiến mẹ bầu nghi ngờ mình mắc bệnh, bạn nên đi khám ngay, tránh để bệnh kéo dài khó chữa.